Lịch Sử Trường THPT Quang Trung

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

TRƯỜNG THPT QUANG TRUNG

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, toàn huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định chỉ có hai trường tiểu học hoàn chỉnh được xây dựng tại Phú Phong. Đó là trường tiểu học công lập hệ sáu năm (lớp năm, lớp tư, lớp ba, lớp nhì nhất, lớp nhì nhị, lớp nhất) và trường tiểu học tư thục biên chế theo mô hình 6 năm do anh em thầy giáo Nguyễn Phàm và Nguyễn Đồng mở. Thầy Nguyễn Phàm làm Hiệu trưởng.

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, hưởng ứng phong trào chống nạn mù chữ và phát triển ngành phổ thông do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề ra, vào năm 1949 chính quyền huyện Bình Khê mở 4 trường tiểu học hoàn chỉnh, hệ 5 năm (lớp năm, lớp tư, lớp ba, lớp nhì, lớp nhất) tại các xã Bình Quang , Bình Phú, Bình Thành, Bình An. Trong năm này, nhà giáo Nguyễn Đồng cùng thi sĩ Quách Tấn mở trường Trung học tư thục Mai Xuân Thưởng tại thôn An Chánh xã Bình An với 2 lớp nhất niên và 1 lớp nhị niên. Trường chỉ hoạt động 1 năm rồi giải thể theo chủ trương chung toàn quốc.

Năm 1950, Phổ thông học vụ miền Nam Trung bộ quyết định thành lập trường cấp II Bình Khê tại Đình Mỹ Thuận xã Bình An, huyện Bình Khê có 4 lớp (ba lớp 5 và một lớp 6). Do hoàn cảnh chiến tranh, vào năm học 1951-1952 trường phải chuyển đến thôn An Xuân, xã Bình Phú và vào năm học 1953-1954 phải tách thành hai  trường: Trường cấp hai Bình Khê số 1 ở tại Thuận Truyền, xã Bình Thuận; trường cấp 2 Bình Khê số 2 đặt tại thôn Hưng Long, xã Bình Tân sau chuyển đến thôn Kiên Long, xã Bình Thành. Cả 2 trường đều giải thể vào cuối năm học 1954 – 1955.

Từ Năm 1955 đến năm 1964, tại huyện Bình Khê chỉ tồn tại một số trường trung học tư thục nhỏ lẻ (quy mô trung học đệ nhất cấp – tương đương cấp II ngày nay) như trường Trung học Tiến Đức, Trung học Bồ Đề; không đáp ứng được nhu cầu học tập của con em trong huyện. Vì vậy,  sau khi tốt nghiệp tiểu học phải thi vào các trường trung học ở Quy Nhơn. Đa số học sinh nghèo quận ta đều phải nghỉ học. Trước tình cảnh ấy, thầy giáo Nguyễn Đồng, Hiệu trường trường Tiểu học Quận lỵ Bình Khê đã làm việc với Nha trung học ở Sài Gòn cho phép mở một trường trung học tại quận Bình Khê, lấy tên là trường Trung học Bình Khê – Phú Phong, ban đầu chỉ tuyển sinh hai lớp đệ thất năm học 1965 – 1966, học tại trường tiểu học Quận lỵ Bình Khê do chính thầy kiêm nhiệm quản lý. Để xây dựng và phát triển đúng là trường trung học, vào ngày 31/10/1965 thầy giáo Nguyễn Đồng đã mở Đại hội phụ huynh học sinh toàn quận kêu gọi quyên góp xây dựng trường. Đến ngày 31/3/1967, thầy tổ chức khai móng xây dãy lầu 10 phòng học, hướng ra sông  Kôn trên khu đất do xưởng dệt Delinhong hiến tặng, trước trường tiểu học Quận lỵ Bình Khê và tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng vào ngày 08/4/1968.

Năm học 1966 – 1967, Nha trung học chính quyền Sài Gòn đã ra nghị định số 545/GDTN/ND công nhận trường Trung học Quang Trung – Bình Khê thành lập năm 1965, xây cất năm 1967. Nhà trường tiếp tục chiêu sinh 2 lớp đệ thất, tổng cộng toàn trường có 4 lớp (2 lớp đệ thất và 2 lớp đệ lục), vẫn tổ chức dạy tại trường tiểu học Quận lỵ Bình Khê.

Năm học 1967 – 1968, trường tiếp tục chiêu sinh thêm 3 lớp đệ thất, đồng thời nhận thêm học sinh các lớp đệ lục, đệ ngũ từ trường Trung học Bồ Đề và trường khác chuyển về nâng tổng số lên 9 lớp (3 lớp đệ thất, 3 lớp đệ lục, 3 lớp đệ ngũ), tổ chức dạy học tại trường tiểu học Quận lỵ Bình Khê, đến ngày 08/4/1968 mới chuyển về trường mới.

Đầu năm 1968, Nha trung học đã quyết định phân công thầy Trần Văn Thái về đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng trường Trung học Quang Trung. Kế tục sự nghiệp của thầy Nguyễn Đồng, thầy Trần Văn Thái đã vận động Nha trung học, phụ huynh học sinh, các nhà hảo tâm tiếp tục xây dựng thêm 1 dãy lầu 10 phòng học hướng ra cổng chính, 1 dãy trệt 5 phòng học dọc theo đường Võ Văn Dõng, văn phòng, bờ tường, cổng ngõ, kỳ đài và tổ chức khánh thành vào năm 1972.

Học sinh các khóa I, II, III sau khi học xong chương trình lớp 11, tham gia kỳ thi Quốc gia lấy bằng tú tài bán xong đều chuyển về Quy Nhơn để tiếp tục học chương trình lớp 12 và tham gia thi lấy bằng Tú tài toàn.

Đến năm học 1974 – 1975, trường Trung học Quang Trung đã có đủ các lớp bậc trung học từ lớp 6 đến lớp 12 và được Nha trung học công nhận là trường Trung học đệ nhị cấp. Khóa IV (1968 – 1975) là khóa đầu tiên trường Trung học Quang Trung được học chương trình lớp 12 tại trường và là khóa duy nhất học chương trình của hai chính quyền: Từ 5/9/1974 đến trước 30/4/1975 học Chương trình chính quyền Sài Gòn, từ 07/5/1975 đến cuối tháng 6 năm 1975 học và tham gia kỳ thi tú tài theo đề thi của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

Sau ngày 30/4/1975, Ban tiếp quản vẫn giữ tên là trường Trung học Quang Trung, tổ chức tựu trường lại vào ngày 07/5/1975 và tổ chức dạy học cho học sinh cả cấp 2 và cấp 3 đến cuối tháng 6 năm 1975 nhằm hoàn thành chương trình năm học 1974 – 1975. Trong thời gian này, do biến động trong chiến tranh nên có một số thầy, cô không thể tiếp tục tham gia giảng dạy. Vì vậy, để tổ chức các hoạt động dạy học trong nhà trường, Ban tiếp quản tuyển thêm một số thầy, cô mới. Hiệu trưởng là thầy Nguyễn Hàm.

Năm học 1975 – 1976, Ty Giáo dục Nghĩa Bình tách cấp 2 thành lập trường phổ thông cấp 2 số 2 Tây Sơn (lúc bấy giờ toàn huyện Tây Sơn có 4 trường cấp II: trường cấp II số 1 Tây Sơn được xây dựng tại xã Bình Quang, trường cấp II số 2 Tây Sơn được xây dựng tại Phú Phong, trường cấp II số 3 Tây Sơn được xây dựng tại xã Bình Thành, trường cấp II số 4 Tây Sơn được xây dựng tại xã Bình An) và đổi tên trường Trung học Quang Trung thành trường phổ thông cấp 3 Tây Sơn. Hiệu trưởng là thầy Lê Ngọc Ba.

Năm học 1982 – 1983, để tạo điều kiện thuận lợi cho con em được đi học, Ty Giáo dục Nghĩa Bình thành lập thêm 1 trường phổ thông cấp 3 ở phía bắc sông Kôn lấy tên là trường PTTH số 2 Tây Sơn nên trường phổ thông cấp 3 Tây Sơn được đổi tên là trường PTTH số 1 Tây Sơn (31/8/1982 – 08/12/1991), Hiệu trưởng trường PTTH số 1 Tây Sơn là thầy Trần Vĩnh Thọ. Hiệu trưởng trường PTTH số 2 Tây Sơn là thầy Nguyễn Khả Trá.

Từ tháng 9 năm 1983 với cương vị là hiệu trưởng nhà trường, thầy Trần Vĩnh Thọ đã tham mưu với Sở Giáo dục và Đào tạo, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp xin đổi tên trường là trường PTTH Quang Trung. Đến ngày 09/12/1991, UBND tỉnh Bình Định ra Quyết định số 1175/QĐ-UB đổi tên trường PTTH số 1 Tây Sơn thành trường PTTH Quang Trung.

Ngày 19/10/2023, UBND tỉnh Bình Định ra Quyết định số 3875/QĐ-UBND đổi tên Trường phổ thông Trung học Quang Trung thành Trường Trung học phổ thông Quang Trung.

Qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, trưởng THPT Quang Trung đã đào tạo một nguồn nhân lực có năng lực và đạo đức góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay cựu học sinh trưởng THPT Quang Trung có mặt trên mọi miền đất nước tham gia hầu hết các lĩnh vực đời sống, nhiều cựu học sinh đang giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội Công an, các Đoàn thể chính trị – xã hội, nhiều cựu học sinh là những nhà nghiên cứu khoa học xuất sắc, nhiều cựu học sinh là những doanh nhân thành đạt, nhiều cựu học sinh là những nhà báo, nhà văn yêu nước, nhiều cựu học sinh là những nông dân giỏi, là những công nhân chuyên nghiệp… Các thế hệ cựu học sinh của trưởng đã và đang góp sức lực trí tuệ của mình vào sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, tất cả đều hướng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mười năm trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy đau thương mất mặt, nhưng những thế hệ thấy, có đầu tiên của nhà trường đã không quân ngại gian khổ đã đem hết tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp phát triển của nhà trường đã đào tạo một thế hệ học sinh biết vượt khó, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Chính các thế hệ cựu học sinh đầu tiên của nhà trường là trụ cột, là đội ngũ công dân đầu tiên của huyện đã đi đầu trong quá trình xây dựng huyện nhà sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tự hào thay, trong thời buổi chiến tranh tàn khốc, tại mảnh đất này đã có những thầy giáo yêu nghề, có tầm nhìn, đã hy sinh tất cả lợi ích cá nhận ra sức đào tạo thế hệ trẻ huyện nhà có điều kiện được học tập phục vụ cho quê hương đất nước. Xin chân thành cảm ơn và ghi nhận những cống hiến vô giá của quý thầy, cô. Sự công hiến đó đã làm nên truyền thống: “Tất cả vì học sinh thân yêu” của đội ngũ nhà giáo trường Trung học Quang Trung,

Mười năm sau ngày thống nhất đất nước, chúng ta trải qua thời kỳ bao cấp, chiến tranh biến giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam. Mặc dầu cuộc sống vô cùng gian nan, vất vả chạy ăn từng bữa, nhưng quý thầy, cô vẫn tiếp tục bám trường bám lớp, gần gũi động viên giúp đỡ học sinh khác phục khó khăn vươn lên trong học tập và sinh hoạt, Chính nhờ sự quan tâm tận tình ấy, số cựu học sinh ngày ấy đã trưởng thành tham gia hầu hết các lĩnh vực đời sống đã cống hiến rất nhiều cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người trong số này đã trở thành các nhà khoa học, giáo sư tiến sĩ, các chính trị gia, nhà lãnh đạo, quản lý, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các doanh nhân thành đạt, các chủ trang trại lớn… Tự hào, chúng ta có quyền được tự hào vì trong giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử, đất nước đã sản sinh ra những thầy, cô như thế, không màng danh lợi đua chen, tất cả vì sự nghiệp trồng người, vì sự phát triển và phồn vinh của Tổ quốc. Chính lòng yêu nghề, mến trẻ đó đã tiếp tục khẳng định truyền thống “Tất cả vì học sinh thân yêu” của đội ngũ nhà giáo trường ta.

Ba mươi năm đổi mới, đất nước đã có nhiều thay đổi, kinh tế phát triển. Mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm, có nhiều chính sách ưu đãi cho đội ngũ nhà giáo, nhưng thu nhập bình quân của giáo viên còn thấp, chỉ dù trang trái những sinh hoạt tối thiểu trong đời sống thường ngày. Nhưng thế hệ thầy, cô giáo trường THPT Quang Trung chúng ta ngày nay vẫn giữ vững truyền thống của quý thầy cô các thế hệ trước, tiếp tục khắc phục khó khăn, toàn tâm cống hiến cho sự nghiệp phát triển nhà trường. Cơ sở vật chất – kỹ thuật, cảnh quan nhà trường ngày càng khang trang, xanh – sạch – đẹp – an toàn hơn trước; chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng tiến bộ, số học sinh giỏi ngày càng tăng, đặc biệt hầu hết số học sinh thời kì này, sau khi tốt nghiệp rời trường đều có ý thức học để lập thân, lập nghiệp, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống và góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Tự hào, rất đỗi tự hào vì theo năm tháng, trường chúng ta tiếp tục có những thế hệ thầy cô mới giàu lòng nhân ái, có lương tâm, trách nhiệm và những thế hệ cựu học sinh mới năng động, có ý chí lập thân, lập nghiệp và đầy nhiệt huyết xây dựng quê hương, đất nước.

Gần 60 năm, là quãng thời gian chưa thật dài, so với lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam anh hùng. Nhưng đã đánh dấu quá trình hình thành, phát triển vượt bậc của Trường Trung học Quang Trung. Từ mái trường này, nhiều thế hệ học sinh đã trường thành, là những công dân tốt của đất nước. Dù ở đâu, với cương vị nào, cựu học sinh trường ta luôn nhớ về trường với những kỷ niệm đẹp.

Đối với những nhà giáo, không một món quà nào hơn sự trưởng thành và thành đạt của các thế hệ học sinh mà mình đã tận tình dìu dắt, giáo dục. Từng cựu học sinh trưởng thành và sống tử tế là niềm động viên, khích lệ dội ngũ giáo viên ngày nay an tâm, vững bước tiếp tục làm người lái đò đưa thế hệ trẻ đến bên bờ thành công.

Dù cho vật đổi sao dời nhưng mái trường Trung học Quang Trung – Bình Khê – Bình Định chúng ta vẫn hiên ngang đứng sừng sững bên bờ sông Kôn thơ mộng, trên mảnh đất “Áo vải Cờ đào” tiếp tục đào tạo thế hệ trẻ huyện nhà trở thành những công dân ưu tú cho đất nước.

MAI VĂN TIÊN


Tệp tin đính kèm

Tải file này
Tác giả: Trường THPT Quang Trung